[REVIEW SÁCH] ĐỢT TUYỆT CHỦNG THỨ SÁU – ELIZABETH KOLBERT

Tuyệt chủng là một quá trình song hành cùng tiến hóa, đã diễn ra từ rất lâu, thế nhưng đây lại là một khái niệm mới với con người.

Contents

Con người đã bước vào con đường tuyệt chủng phi tự nhiên như thế nào?

Trong lịch sử tự nhiên, các nhà khoa học đã ghi nhận năm đợt đại tuyệt chủng, bao gồm sự kiện tuyệt chủng kỷ Ordovic–Silur, Devon muộn, kỷ Permian-Triassic, kỷ Triassic-Jurassic và cuối cùng là kỷ Cretaceous-Paleogene. Cả 5 cuộc đại tuyệt chủng diễn ra theo một kịch bản rất quen thuộc: một thảm họa tự nhiên diễn ra làm thay đổi môi trường sống, đôi lúc đây là kết quả của tác động bên ngoài.
Tác giả Elizabeth Kolbert đưa ra giả định cuộc đại tuyệt chủng thứ sáu hiện đã bắt đầu ở thế Nhân sinh (Anthropocene), gây ra bởi tác động của con người đến thế giới tự nhiên.
Không ít người tin rằng đây là kết quả không mong muốn kể từ thời Cách mạng Công nghiệp, thế nhưng Kolbert đã chứng minh rằng con người từ trước đến nay luôn có sở trường tàn phá môi trường ở quy mô lớn. Với khả năng sinh sản không thua kém loài thỏ, cộng với nhu cầu sử dụng tài nguyên khổng lồ, những công cuộc khai thác dù lớn hay nhỏ đều dẫn đến những thay đổi khó lường tới môi sinh, đồng thời ảnh hưởng mạnh mẽ đến các sinh vật sống xung quanh con người.

NGUYÊN NHÂN GÂY RA “ĐẠI TUYỆT CHỦNG”

Quá trình xác nhận cuộc đại tuyệt chủng thế Nhân sinh của Kolbert bắt đầu từ việc khám phá những tác động tiêu cực mà nó gây ra cũng như những nạn nhân trong tương lai.
Trên con đường tìm mối liên hệ giữa sự tuyệt chủng của voi răng mấu châu Mỹ, chim an ca lớn và người Neanderthal, cũng như việc ếch vàng Panama, quạ Hawaii, tê giác Sumatra hay một số loài dơi ở Mỹ đang dần biến mất, có một sự thật ngày càng trở nên rõ ràng: hầu hết sự biến mất của các loài sinh vật trong thế Nhân sinh hoặc một thời gian trước đó đều có bóng dáng của con người.

NHỮNG ĐIỂM SÁNG

1. Khái niệm tuyệt chủng và tiến hóa

Những chương đầu tiên của cuốn sách tập trung vào một số cá nhân như Cuvier, Lyell hay Darwin, những người đầu tiên đặt nền móng cho khái niệm tuyệt chủng và tiến hóa.
Từ quan điểm của người đọc hiện đọc, chúng ta gần như quên mất rằng tuyệt chủng là một khái niệm khá mới. Đã từng có thời các nhà khoa học tin rằng sự sống toàn vẹn, theo tiến trình tự nhiên không một loài nào biến mất cả. Việc khám phá ra hóa thạch đã dần thay đổi hiểu biết của con người về thế giới và sự hình thành.
Tìm hiểu lịch sử của việc con người thay đổi nhận thức về thế giới, đưa ra và sửa đổi các giả thuyết, để rồi khám phá ra một thế giới từng biến mất trước khi nhân loại xuất hiện là một điều khá hấp dẫn, và rõ ràng Kolbert đã làm tốt điều này.

2. Các chương về biển và san hô chứa đựng nhiều thông tin rất thú vị và bất ngờ

Từ sự axit hóa đại dương, về đời sống của loài san hô cũng như tầm quan trọng của chúng, tất cả đều được mô tả một cách sinh động thông qua lời văn của Kolbert, và khi biết được lý do rặng san hô ở Great Barrier, Úc suy giảm 50% chỉ trong 30 năm, bất cứ ai cũng phải rùng mình.

3. Ý tưởng về một toàn lục địa (Pangaea) kiểu mới là điều gợi rất nhiều suy nghĩ

Ngày nay, con người có thể dễ dàng di chuyển giữa các quốc gia, thậm chí các lục địa, dẫn đến việc cố ý hoặc vô tình mang theo các loài động/thực vật mới và xâm lấn môi trường của loài bản địa. Do không được tiếp xúc từ trước, quá trình tiến hóa để tự bảo vệ của các loài bản địa đã không diễn ra, vì thế chúng dễ dàng trở thành nạn nhân của những kẻ xâm lấn mới. Dù không phải là một hình thức tuyệt diệt trực tiếp, ta vẫn có thể thấy bàn tay con người trước sự xâm lược vĩ đại này.

CHỦ ĐỀ “NỖI SỢ TOÀN CẦU”?

Mặc dù đây là một chủ đề khá u ám nhưng sự hài hước và hóm hỉnh của tác giả luôn xuất hiện đúng lúc, trước khi mọi thứ trở nên quá buồn thảm.
Là một cây viết lâu năm của tạp chí The New Yorker, từng tốt nghiệp văn khoa ở đại học Yale trước khi làm ký giả khoa học, Elizabeth Kolbert rất thành công trong việc chuyển hóa hàng loạt kiến thức khoa học tưởng chừng khô khan thành lời văn dễ hiểu.
Đồng thời, với cách hành văn của người kể chuyện ở ngôi thứ nhất, “Đợt Tuyệt Chủng Thứ Sáu” giống như tập hợp của một loạt phóng sự dài chứ không bị sa đà vào việc truyền đạt kiến thức, trở thành sách giáo khoa trá hình. Tất nhiên, trong quan điểm của các chuyên gia, lượng kiến thức đồ sộ này đã bị đơn giản hóa đi khá nhiều, nhưng với người đọc bình thường, hàm lượng thông tin đem lại vẫn rất lớn, đủ để phác thảo cho người đọc thấy tuyệt chủng thực sự phức tạp như thế nào.
Phương pháp dẫn dắt câu chuyện cũng là một yếu tố làm nên thành công của quyển sách. Ở hầu hết các chương, Elizabeth Konbert tập trung vào một loại cụ thể đang đứng trước nguy cơ hoặc đã tuyệt chủng. Sau đó, tác giả tiến hành nghiên cứu môi trường sống, các hiểm họa đe dọa đến loài ấy cũng như tác động từ con người đến sự kiện này.

Các loài sinh vật phải gánh chịu tai họa 

1) Ếch vàng Nam Mỹ – Một loại nấm vô hại với những con ếch Châu Phi vô tình được con người đưa sang để làm xét nghiệm mang thai.
2) Chim an ca lớn – bị săn bắn quá mức dẫn đến tuyệt chủng vào thế kỷ 19.
3) Dơi nâu Bắc Mỹ – Một loại nấm khác có khả năng chịu lạnh và gây ra bệnh mũi trắng.
4) Chim ăn kiến cổ trắng – Môi trường sống bị chia cắt dẫn đến suy giảm khu vực của các bầy kiến quân đội, vốn là thức ăn tự nhiên của loài chim này.
5) Các loài động vật cỡ lớn như tê giác Sumatra, vốn có thời gian sinh sản và tăng trưởng quá lâu trong khi bị con người săn bắt thường xuyên.
Bên cạnh đó, Kolbert cũng tập trung vào môi trường sống của các loài. Hai vùng nổi bật nhất trong quyển sách này:
Một là biển, đang ngày càng bị acid hóa nặng nề do hấp thu CO2 với lượng cực lớn không ngừng. Hai là rừng mưa nhiệt đới, không chỉ suy giảm cả về số lượng mà chất lượng cũng bị ảnh hưởng do sự ấm lên toàn cầu.
Cuối cùng, một phần quan trọng trong các chuyến đi của Kolbert vẫn liên quan đến con người. Cụ thể hơn, đây là các nhà khoa học đang làm công tác bảo tồn các giống loài đang trên đà tuyệt chủng. Các nỗ lực này thường chỉ ở mức quy mô khá nhỏ, thường là không đủ trước những gì đang diễn ra. Tuy nhiên, các nỗ lực cho thấy con người đã nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn cũng như vai trò của họ trong công cuộc này.
“Bằng cách đẩy những loài khác tới bờ vực tuyệt chủng, con người cũng đang hối hả cưa đi cành cây mà mình đang ngồi trên đó.”
Trích dẫn từ Paul Ehrlich, giáo sư đại học Stanford cho thấy số phận của những con chim an ca lớn, tê giác Sumatra hay các loài cổ sinh như Mastodon rất có thể sẽ lặp lại với con người. Bảo vệ sự đa dạng tự nhiên cũng là bảo vệ chính mình. Qua hơn 12 chương bi thảm, tác giả Kolbert vẫn đặt niềm tin vào nhân loại, rằng tất cả mọi thứ vẫn chưa phải kết thúc chừng nào con người còn hi vọng. Dù muốn hay không, chúng ta vẫn là nhân tố quyết định con đường tiến hóa nào sẽ kết thúc vĩnh viễn, và con đường nào vẫn được để ngỏ dành cho sự phát triển.
————————————————–
Nguồn: Facebook Nguyen Hao
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Xem Thêm  Bài học cuộc sống của chàng trai tuổi 30
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận