[REVIEW SÁCH] ĐỨA CON GÁI HOANG ĐÀNG (P2) – JEFFREY ARCHER

Contents

Đứa con gái hoang đàng – Tìm lại giấc mơ Mỹ

Tiếp nối thành công của “Hai số phận”, tác giả Jeffrey Archer (J.A) tiếp tục chắp bút cho câu chuyện ở phần 2 và cũng là câu chuyện về thế hệ thứ 2 nhà Kane và Rosnovski mang tên “The Prodigal daughter” (Đứa con gái hoang đàng)

Bắt nguồn từ Kinh Thánh

Một điều mình thích ở J.A là các ý tưởng của ông đều lấy cảm hứng hoặc bắt nguồn từ một câu chuyện, một tích trong Kinh Thánh hay một sự kiện nào đó trong lịch sử. Cuốn sách lần này cũng vậy.
Prodigal nguyên gốc theo Kinh Thánh là “Prodigal son” – người con trai hoang đàng, câu chuyện kể về người con trai trở về sau khi tiêu xài hoang phí toàn bộ tài sản của mình. Xong cụm từ “người con hoang đàng” ngày nay được sử dụng rộng rãi ám chỉ những người chưa trưởng thành không chịu sống theo các chuẩn mực mà cha mẹ họ muốn họ sống, nhằm giúp họ vững vàng bước chân vào đời.
Không chỉ vậy, cuốn sách lần này còn được lấy cảm hứng từ những nhân cách lớn, những bà đầm thép như: Margaret Thatcher (cựu Thủ tướng Vương quốc Anh), Golda Meer (cựu Thủ tướng Isreal), hay Indira Gandhi (cựu Thủ tướng Ấn Độ).
Điểm chung giữa những con người quyền lực này là họ là những người phụ nữ đầu tiên nắm giữ những vị trí quan trọng trong hàng ngũ chính phủ – điều mà trước giờ bị ngầm mặc định là công việc của nam giới.

Tổng thể thu hút

Về hình thức, cuốn sách được được thiết kế ở khổ 13.5×20.5cm rất vừa tay, với mình thì đây là một điểm cộng vì tính tiện dụng, chắc chắn và dễ mang đi lại. Chưa kể đến chiếc bìa được vẽ bởi họa sĩ Reiko Miori – người đã vẽ bìa quyển sách “Hai số phận” với gam màu chủ đạo là nâu cam cực hút mắt.
Vì sao mình lại review cụ thể cả hình thức cuốn sách? Vì suy cho cùng, cái đập mắt ta đầu tiên là cái đẹp đúng không nào?
Về nội dung, cuốn sách xoay quanh cuộc đời của Florentyna Rosnovsi – con gái của nam tước Chicago Abel Rosnovsi, từ khi còn nhỏ đến khi trưởng thành, tiếp bước giấc mơ Mỹ của cha và trở thành tổng thống thứ bốn mươi ba của nước Mỹ.

Vài nét về “Đứa con gái hoang đàng”

Cuốn sách được chia làm 3 phần:
#Phần 1 _ Quá khứ – từ năm 1934 đến năm 1968:
Nội dung phần này là quá trình Florentyna lớn lên. Cô gái “sinh ra ở vạch đích” của chúng ta trải qua tuổi thơ bên cha mẹ, cô không có em trai hay em gái vì những vấn đề của cha me mình, cô được cha mình tìm cho một người bảo mẫu kiêm gia sư hết mực tận tụy, người mà có công rất lớn trong quá trình tạo dựng nhân cách và con người của cô sau này.
Cách viết nhanh, không rườm rà, người đọc nhanh chóng trải qua tuổi thơ cùng cô, từ những ngày chập chững đi mẫu giáo, rồi học trung học, về cảm giác rung động lần đầu và cuối cùng là đại học ở những ngôi trường danh tiếng cùng khả năng thiên bẩm của Florentyna. Đọc phần này làm mình thêm một lần nữa phải thốt lên cảm thán về vai trò của giáo dục những năm đầu đời ảnh hưởng như thế nào đến một đứa trẻ.
Phần này còn kể về câu chuyện tình yêu của Florentyna với vị hôn phu sau này – người mà ở cùng vạch xuất phát với cô; cùng với đó là cuộc hôn nhân bị cấm đoán.
Cô và chồng đã từ bỏ tất cả, bắt đầu lại từ hai bàn tay trắng và xây dựng nên một hệ thống thời trang riêng của mình đứng nhất nhì nước Mỹ. Nếu như ai đó nói rằng, cổ tích chỉ đến với người giàu thì mình xin phép được bổ sung, nó còn chỉ đến với người cực xuất sắc nữa.
Chưa hết, phần này còn tiết lộ ân nhân bí ẩn đã giúp đỡ cha cô – Abel -những năm mà đế chế Baron gặp nhiều khó khăn trong quá khứ, đến khi công ty được vực lại và trở thành hệ thống khách sạn hàng đầu thế giới.
#Phần 2 _ Hiện tại – từ năm 1968 đến năm 1982:
Thuật lại quá trình cô tiếp quản Baron và Lester, hạ gục mọi khó khăn và đối thủ bởi sự khôn ngoan và liều lĩnh kế thừa từ người cha gốc Ba Lan của mình. Về những đứa con của cô, người con trai kế thừa khả năng thiên bẩm của cha mẹ, trong khi đứa con gái lại ngược lại, chỉ ưa thích tiệc tùng và những chàng trai. Đây cũng là khoảng thời gian bắt đầu sự nghiệp chính trị của cô, chính thức thay cha tiếp tục Giấc mơ Mỹ còn dang dở.
#Phần 3 _ Tương lai – từ năm 1982 đến năm 1995:
Là góc khuất về các hệ thống liên bang, những đòn roi chính trị, những trăn trở về sự công bằng và sự kiện chính thức đưa cô trở thành Tổng thống thứ bốn mươi ba của nước Mỹ. Nếu hai phần trên rất lôi cuốn, rất tuyệt vời thì phần này mình không đánh giá cao lắm bởi nó hơi khô khan do mang tính chất chính trị.

Đánh giá quyển sách

Kết thúc cuốn sách, ngoài câu chuyện và những bài học từ Florentyna Rosnovsi, điều đọng lại với mình còn là sự mường tượng về một nhân vật có thật cùng với đó là câu hỏi lớn về sự công bằng trong cả hệ thống chính trị. Nếu là nhân vật có thật, mình xin đảm bảo nữ tổng thống thứ bốn mươi ba sẽ là chính trị gia được yêu thích nhất mọi thời đại.
Một điều mình cũng yêu thích ở cuốn sách là cách các câu chuyện tình yêu, tình bạn trong cuốn sách không chiếm nhiều thời lượng của người đọc, mà ngược lại, nó được đưa vào để giúp đẩy cốt truyện về phía trước và thêm vào tính chân thực của nhân vật chính, nếu như phần cuối truyện uyển chuyển hơn, hình ảnh hơn thì cuốn sách sẽ hoàn hảo đồng thời là khắc phục các lỗi in ấn về phía nhà xuất bản và đơn vị phát hành đây sẽ là một cuốn sách 5 sao thật sự xứng đáng.
——————————————————————
Mong rằng các độc giả sẽ có những khoảnh khắc thú vị khi đọc quyển sách này!
#Cre: Facebook Đặng Thuỳ Linh
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Xem Thêm  [Review sách] Nói thế nào để được chào đón, làm thế nào để dược ghi nhận
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận