[REVIEW SÁCH] TRÊN ĐƯỜNG – JACK KEROUAC

Contents

CHUYẾN XE CHỞ BẠN ĐI QUA TUỔI TRẺ

Nếu như “Mặt trời vẫn mọc” của Earnest Hemingway và “Gatsby vĩ đại” của F.Scott Fitzgerald được xem là những tác phẩm tiêu biểu của “Thế hệ lạc lối” (Lost generation) thì “Trên đường” của Jack Kerouac là gương mặt đại diện cho trào lưu sáng tác mang tên Thế hệ Beat (Beat generation).
Đây là trào lưu văn học những năm 1950, hậu chiến tranh thế giới thứ hai, mà đặc trưng là lối kể chuyện phá cách, trong đó nhân vật thường đi tìm kiếm bản ngã, từ chối sống theo tiêu chuẩn đạo đức xã hội với những trải nghiệm mạnh mẽ (rượu, cần sa, tình dục, nhạc jazz…).
The New York Times khen ngợi “Trên đường” của Kerouac thể hiện đẹp đẽ nhất, rõ ràng nhất và là tiếng nói quan trọng nhất của thế hệ này.

NỘI DUNG ĐỘC ĐÁO

Về nội dung, “Trên đường” là chuyến hành trình xuyên nước Mỹ của Sal Paradise (nhân vật “tôi”) và Dean Moriarty cùng với những người bạn khác.
Tác phẩm tràn trề sức trẻ với lối viết văn gãy gọn, phóng khoáng đậm chất Mỹ
Bao trùm tác phẩm là cảm giác “trên đường” mang hai ý nghĩa: một là cảm giác khi bạn đang chạy xe trên đường, qua nắng, mưa, gió, tuyết, đắm mình trong tốc độ, sa vào bùn lầy; hai là mau lẹ lên đường, đột ngột gặp gỡ, chia tay chóng vánh, không ở yên một chỗ, nay đây mai đó.
Cảm giác này được tạo nên bằng cách dùng câu văn ngắn, ít tả cảnh hay đào sâu nội tâm mà tập trung vào diễn biến sự việc và khắc họa nhân vật qua hành động và lời nói.
Cách hành văn có thể nói là ngẫu hứng (kể các sự việc xảy ra mà tác giả chứng kiến), nhưng không tạo nên sự hỗn loạn mà vẫn tạo thành một cốt truyện hay và độc đáo, giống như thứ âm nhạc lồng ghép xuyên suốt hành trình của nhân vật – nhạc jazz – vốn là thể loại âm nhạc dựa trên sự tự do ứng tác với nhịp độ nhanh.
Tác phẩm sẽ phù hợp nhất với người trẻ đang muốn trải nghiệm với sức sống còn hừng hực, không phù hợp với người thích sự chậm rãi hay cầu toàn.

NƠI SỨC TRẺ NGỰ TRỊ MẠNH MẼ

Sức trẻ trong tác phẩm thể hiện rõ nhất là ở nhân vật Dean Moriarty. Anh ta luôn được các nhân vật khác mô tả là “điên rồ”.

Hẳn là thế, suốt câu chuyện người ta toàn thấy anh chạy xe quá tốc độ để cảnh sát phải sờ gáy, nhưng sau đó vẫn ăn trộm từ chiếc xe này đến chiếc xe khác đến nỗi cả nhóm phải gấp gáp bỏ chạy.

Anh trần truồng đứng ngắm bình minh qua cửa sổ nhà Camille, nơi có thể nhìn thấy mọi cột đèn xanh và đỏ của San Francisco dưới những đêm mưa, rủ hai người đồng hành là Sal và Marylou cùng trần truồng trong xe băng qua Texas.
Anh hấp dẫn phụ nữ, có nhiều vợ, yêu đến độ đưa súng cho Marylou và bảo giết mình đi; đôi khi bất ngờ bỏ rơi bạn bè giữa đường nhưng rồi lại đi hơn 3 nghìn dặm chỉ để đến gặp bạn rồi về mà không hiểu vì sao; cách nói chuyện thì cứ như thể không bao giờ tỉnh.
Cuộc sống của anh ta rất phức tạp, là điển hình cho sự “từ chối sống theo tiêu chuẩn đạo đức xã hội” của tác phẩm Beat.

Những mối quan hệ lạ lùng

Anh ta không có trách nhiệm với vợ con, liên tục sống với người này rồi bỏ họ để đến với người kia, sau đó lại quay lại và sau này thì không chắc được.
Đối với bạn bè cũng vậy, có lúc Dean bỏ mặc Sal dù Sal đang bệnh nặng để về lo chuyện li dị với Camille. Dẫu vậy, anh ta vẫn nhận được tình yêu từ những người phụ nữ kia, vẫn được Sal ưu ái viết về. Lý do là họ hiểu Dean buộc phải như vậy, giống như xe trên đường phải luôn chạy, nếu không điên rồ như vậy thì anh ta không thể sống tiếp.
Điều này khá thú vị, giống như là trong cuộc sống có những điều người ta buộc phải tiếp tục làm, nếu không sẽ không thể sống được, sẽ đánh mất bản thân, dẫu rằng điều ấy người ngoài nhìn vào thấy rất điên rồ và khó chấp nhận. Luôn có những người như thế, bừng cháy hết mình với tuổi trẻ, và ở cạnh họ là một bầu không khí thu hút đến choáng ngợp.

Bản ngã của tôi, nó ở đâu?

Ngoài những điểm trên, việc tìm kiếm bản ngã trong tác phẩm thể hiện khá hay ở những đêm cô đơn Sal Paradise đi dạo trên những đường phố tối tăm và bí ẩn, có chút bất mãn và chán chường với những người bạn của mình nhưng chẳng biết từ khi nào đã bị nhiễm lối sống của họ mất rồi, và mỗi khi quay lại San Francisco lại lập tức nhớ đến họ, mà sau đó lại là chuỗi ngày điên rồ.
Đôi khi trong bóng tối lúc mà bạn mình ngủ rồi, anh đột nhiên hoang mang trong những câu hỏi “tôi đang làm gì”, “tại sao tôi lại ở đây”, và “tôi không có gì để trao cho người khác cả ngoại trừ những suy nghĩ rối bời”. Đây cũng là những suy tư của tuổi trẻ trên con đường bước vào đời.

LỜI KẾT

Tựu trung, “Trên đường” có phong cách khá dội so với độc giả phương Đông, nhưng thực sự đáng đọc. Tác phẩm tựa như một con xe ầm ĩ và mạnh mẽ phóng ngang chở bạn vút qua tuổi trẻ, sau cùng để lại dư vị xôn xao và lưu luyến khó quên.
——————————————————
Nguồn: Facebook Lê Yên Nhiên
#Reviewhay #ReviewSach
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Xem Thêm  [REVIEW SÁCH] KHIÊU VŨ VỚI NGÒI BÚT - JOSEPH SUGARMAN
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận