[REVIEW SÁCH] TRƯỚC KHÉO MỞ LỜI SAU KHÉO MỞ LÒNG – HÀN TIẾU

Giao tiếp không chỉ là “nói ra những điều mình nghĩ”, mà còn là “kể một câu chuyện thu hút người khác”. Đối với bất cứ câu chuyện nào, phần mở đầu luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng, nó sẽ quyết định việc khán giả có ở lại và lắng nghe những điều bạn muốn truyền tải hay không. “Quy tắc 30 giây” cho phép bạn kể chuyện một cách dễ dàng, trôi chảy hơn mà không cần lo lắng về những gì người nghe đang suy nghĩ, bởi vì họ đã đắm chìm trong thế giới mà bạn dựng nên.

Contents

BỐN “QUY TẮC 30 GIÂY” THU HÚT NGƯỜI NGHE

30 giây đầu tiên – sức hấp dẫn luôn chiếm vị trí quan trọng

Trong 30 giây đầu tiên, bạn cần phải thu hút sự chú ý của người nghe. Khán giả phải tiếp xúc với một lượng lớn thông tin mỗi ngày, và họ cũng đang xử lý những thông tin này một cách vô thức. Nếu phần mở đầu câu chuyện của bạn đơn giản và chẳng có điểm gì nổi bật thì rất dễ bị khán giả tự động lọc ra khỏi tâm trí, và mặc cho sau đó bạn có nỗ lực đến mấy cũng chẳng thể gây ấn tượng với họ được nữa. Ngay cả khi họ đang lắng nghe rất kỹ câu chuyện của bạn, thời gian nó lưu trữ trong tâm trí họ sau đó cũng ngắn hơn nhiều so với những thứ khác.

30 giây thứ hai – câu chuyện khiến người nghe không thể rời đi

Trong 30 giây thứ hai, bạn cần khơi dậy sự quan tâm của khán giả. Sau khi câu chuyện của bạn đã thành công thu hút sự chú ý của mọi người, bước tiếp theo là đừng làm họ thất vọng, thúc đẩy họ bám sát câu chuyện.
Ngoài những câu chuyện cá nhân của mình, trình bày những ý tưởng mới lạ cũng có thể khơi dậy hứng thú của khán giả và khiến họ vô thức tham gia vào quá trình tư duy cùng với bạn. Không có thứ thuốc dẫn nào hữu hiệu hơn trí tò mò, và đây cũng là phương pháp được rất nhiều diễn giả nổi tiếng áp dụng trong các bài phát biểu của mình.

30 giây thứ ba – thể hiện trí tưởng tượng và sức sáng tạo

30 giây thứ ba lại là thử thách khó khăn hơn đối với người kể chuyện, đây là khoảng thời gian mà bạn phải lan tỏa sức hấp dẫn của câu chuyện.
Người kể chuyện cần sáng tạo một câu chuyện hoàn chỉnh có thể lay động lòng người, và câu chuyện ấy phải phù hợp với thực tế cuộc sống của khán giả. Thông qua cách sử dụng ngôn từ của người kể, khán giả có thể tưởng tượng ra nhân vật trong tâm trí, từ đó nảy sinh sự đồng cảm với trải nghiệm của họ, đồng thời sẵn sàng theo bước nhân vật đối mặt với những sự kiện tiếp theo. Người kể phải khơi gợi khát khao lắng nghe của khán giả. Việc này dễ thực hiện hơn nhiều so với nỗ lực “đặt bẫy” khán giả.

30 giây cuối cùng – dẫn dắt khán giả hành động

30 giây cuối cùng là thời gian để người kể chuyện dẫn dắt khán giả phản hồi. Bạn cần thúc đẩy người nghe hành động bằng chính năng lực của họ, để họ tự đáp ứng những điều mà mình cần – đây là cách mà nhiều chính trị gia và doanh nhân thường áp dụng trong các bài nói chuyện. Steve Jobs đã biến các buổi ra mắt sản phẩm của Apple thành một câu chuyện – một câu chuyện hợp thời và truyền cảm hứng cho giới trẻ. Trong câu chuyện đó, những người trẻ là nhân vật chính, và ai lại không muốn trở thành nhân vật chính cơ chứ?
Người xưa luôn nói rằng: “Vạn sự khởi đầu nan”, một khởi đầu được chuẩn bị chu đáo sẽ giúp bạn dễ dàng lan tỏa câu chuyện của mình hơn và kịp thời nhận được phản hồi từ khan giả. Nếu muốn có một phần mở đầu thật tốt, bạn chỉ cần nắm vững bốn “quy tắc 30 giây” này và thực hiện từng điểm một, như vậy bạn sẽ có thể tạo ra đột phá trong cách kể chuyện của mình.
———————————————-
Nguồn: Facebook TheRainBringer
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Xem Thêm  [REVIEW SÁCH] LUẬT CHẾT NĂM 70 TUỔI - MIU KAKIYA
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận