[REVIEW SÁCH] XỨ TUYẾT – KAWABATA YASUNARI

Tôi nhận được cuốn “Xứ Tuyết” từ em vào một buổi chiều lộng gió. Em chỉ nhắn nhủ ngắn gọn: “Chị đọc xong nhớ review cho em có hay không nhé!”
Và thế là mình đọc, chậm rãi. Vì thực ra với hơn 200 trang sách thì chỉ cần đọc một buổi tối là xong! Song, với Xứ Tuyết thì không thể như vậy, nó là thứ văn chương cần phải đọc chậm. Đơn giản thế thôi.

CỐT TRUYỆN NHẸ NHÀNG

Diến biến câu chuyện của “Xứ Tuyết” thực ra rất đơn giản, không quá nhiều kịch tính, không nút thắt nào cần tháo gỡ. Vì thế, cũng không có cao trào nào khiến độc giả bị hút vào một cách mãnh liệt.
Điều nổi bật ở cuốn sách này chính là vẻ đẹp văn chương được mô tả qua ba mùa Xuân, Thu, và Đông theo dấu chân người đàn ông đã có gia đình, giàu có do gia sản để lại, nhàn nhã du hành đến một thị trấn xa xôi đâu đó phía tây rặng Alps Nhật Bản (dãy núi chia đôi đảo Honshu).
Tại đây anh ta gặp nàng Geisha có tên là Komako – người con gái đại diện cho vẻ đẹp nữ tính tràn trề, mạnh mẽ, tương phản giữa thánh thiện và trần tục, giữa tỉnh táo và đam mê, giữa vẻ đẹp sáng ngời nét thơ ngây bên ngoài và sức trầm lắng của nội cảm. Shimamura, tên người đàn ông giàu có đến từ Tokyo đó, đã phải lòng nàng Komako và họ đã tạo nên một mối quan hệ vừa say đắm vừa hợt hợt, vừa chân thực lại vừa mơ hồ… Rồi trên chuyến tàu trở lại xứ tuyết lần thứ hai, Shimamura đã gặp Yoko. Một ca kỹ với vẻ đẹp trong trắng và xa vời, mong manh và mờ ảo, tin cậy và thơ ngây ngay cả trong cách nàng thể hiện tình cảm với Shimamura, với giọng nói “truyền cảm, trong thanh và đẹp đến não lòng”, khiến Shimamura mỗi lần tiếp xúc là mỗi lần khám phá thêm một nét quyến rũ nơi nàng.
Tình yêu của Shimamura với Komako bắt đầu chớm những giận hờn đầu tiên. Komako hoang mang không biết Shimamura còn yêu mình thật hay không, còn Shimamura cũng không sao hiểu nổi sự lạnh lùng của lòng mình, tại sao mình không thể sống được mãnh liệt, trọn vẹn và hy sinh trong dâng hiến không đòi hỏi chút gì trả lại như nàng.

KẾT THÚC TRONG BI KỊCH

Câu chuyện đi đến cái kết đau lòng dưới bầu trời đầy sao với dải Ngân Hà lóng lánh đầy vẻ ma quái, khi Shimamura chuẩn bị rời khỏi xứ tuyết mãi mãi để lại tất cả tình cảm phía sau thì một đám cháy đã bùng lên tại nhà kho gần nơi anh ở.
Yoko người con gái đại diện cho vẻ đẹp mong manh, lý tưởng đã chết trong đám cháy đó còn Komako ôm trong tay Yoko nói những lời mê sảng gần như hóa điên. Tại đây, ta đã thấy thiên hướng của tác giả trong sự say mê cái đẹp, ông mê những nét đẹp xa xôi, huyền ảo, mong manh hơn là những cái đẹp mạnh mẽ, hiển hiện, gần gụi. Những cái đẹp xa xôi ấy phải chăng là đại diện cho nền văn hóa Nhật Bản cổ xưa, đã lụi tàn dần trong thời kỳ thay đổi? Và phải chăng ông cũng khẳng định, nếu vẻ đẹp mong manh, xa xôi ấy mất đi thì những cái đẹp hiện đại, mạnh mẽ cũng chẳng thể phát triển lành mạnh được?

“XỨ TUYẾT” – PHẢI CHĂNG LÀ NHỮNG ĐIỀU Ý NGHĨA ẨN MÌNH ?

Đây là câu chuyện đơn giản đi tìm cái đẹp và kết thúc trong bi kịch, giống như vô số những tác phẩm văn học Nhật khác như “Rừng Nauy”, “Đôi mắt ấy vẫn ở trên giường”, “Kitchen”, “Tôi vẫn nghe tiếng em thầm gọi”, “Hoàng Đạo Án”… nhưng nó ít u uẩn hơn bởi thứ văn chương đẹp đẽ của Yasunari.
Được biết, tác phẩm Xứ tuyết đã đưa tên tuổi của Kawabata Yasunari đi khắp thế giới – được ông bắt đầu viết năm 1934 và phải mất 13 năm để hoàn thành tức năm 1947. Cùng với “Ngàn cánh hạc”“Cố đô”, “Xứ tuyết” đã mang lại cho tác giả giải thưởng Nobel văn học vào năm 1968, nhân kỷ niệm 100 năm (1868-1968) hiện đại hóa văn học Nhật Bản với công cuộc cải cách Minh Trị.
Sách của những tác giả đoạt giải Nobel thường rất khó đọc bởi nó không mang tới giá trị giải trí thông thường mà nó mang tới một hệ tư tưởng của cả một thời kỳ lịch sử được lồng ghép bằng những bối cảnh, những nhân vật đại diện cho cả một thời kỳ đó. Vì vậy, những ai không có đủ nhận thức sâu thì rất dễ dàng bỏ cuộc. Tuy nhiên, tôi chắc chắn các độc giả cũng sẽ tìm thấy bản thân mình qua quyển sách đầy sâu sắc này.
——————————————————————
Cám ơn em vì đã tặng chị một cuốn sách nhiều ý nghĩa vào những ngày đẹp trời!
#Nguồn: Facebook Hieu Pham
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Xem Thêm  [REVIEW SÁCH] SÓNG Ở ĐÁY SÔNG - LÊ LỰU
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận