[REVIEW SÁCH] VAN GOGH THE LIFE – Steven Naifeh, Gregory White Smith

Contents

VINCENT VAN GOGH – THIÊN TÀI CÔ ĐỘC

1. Ca khúc trứ danh

Don McLean – ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng người Mỹ, trong 1 lần đọc cuốn sách về Vincent Van Gogh và xúc động với những đau khổ trong cuộc đời của người họa sĩ bất hạnh, ông đã sáng tác ca khúc “Starry, starry night” năm 1971. Ca khúc này đã trở thành ca khúc số 1 trong bảng xếp hạng năm 71 ở Anh, nằm trong top 100 bảng xếp hạng của Billboard năm 72 ở Mỹ.
Mình đã từng nghe bài hát này từ rất lâu, lúc mà băng catsette còn là phương tiện nghe phổ biến, những năm 90-92, và không hề biết tên, biết nhạc sĩ cũng như hiểu nội dung bài hát là gì. Những giai điệu acoustic nhẹ nhàng sâu lắng dễ đi vào lòng người và khiến mình nhớ mãi.
Khi You Tube dần phổ biến, mình mới bắt đầu nghe lại những bản nhạc ngày xưa, cùng với hình ảnh sống động, lyrics chuẩn, bài hát này là một trong những bài mình nghe đi nghe lại nhiều nhất, vì giờ mình đã biết, nó nhắc đến người họa sĩ thiên tài mà mình yêu mến. Và mình thích cụm từ “amber” (hổ phách) mà Don McLean đã dùng để miêu tả màu vàng mê mẩn trong những bức tranh của Vincent.
Nay nhận cuốn sách này, mình lại vừa đọc vừa mở nhạc nghe, thật là tăng thêm mấy phần đồng cảm với nhân vật chính: Vincent Van Gogh.

2. Cái nhìn ấn tượng về Vincent Van Gogh

Cuộc đời bi thảm của Vincent Van Gogh hẳn ai cũng đã từng nghe hoặc từng đọc qua, nhưng để hiểu sâu sắc, để cảm thông với những ý nghĩ điên cuồng của ông, có lẽ phải nhờ đến cuốn sách hơn ngàn trang này. Đây là một cuốn hồi ký kỳ công của 2 tác giả Steven Naifeh & Gregory White Smith, văn phong giản dị và khá bay bổng, có những đoạn đọc như đọc tiểu thuyết vậy, rất hay rất trau chuốt. Mình đặc biệt ấn tượng ở giai đoạn mà Vincent Van Gogh bắt đầu cuộc đời thanh niên, lúc anh rời quê hương để đến Luân Đôn.
#1 “Luân Đôn chẳng có bãi hoang nào để Vincent có thể lẩn trốn. Nhưng nơi đây có những trò tiêu khiển và niềm an ủi không thể có tại Grote Beek, với đời sống phóng túng muôn hình muôn vẻ và kỳ lạ đặc biệt về đêm. Sau những ngày dài làm việc Vincent Van Gogh đi loanh quanh rong ruổi rất nhiều trong những ngõ hẽm, lạc lõng giữa xã hội, khao khát những tiếp xúc con người và từ lâu đã trơ lì trước bất kỳ cảm giác ăn năn hay hối hận nào. Vincent Van Gogh khám phá mình giữa nơi thủ phủ của thế giới chung chạ bóc bánh trả tiền, ở những khu vực Luân đôn mà Vincent Van Gogh thường lui tới, cơ hội luôn đầy rẫy.”
#2 “Bạn chẳng thể đi quá 100 bước chân mà không va phải 20 cô gái đứng đường”.
Những chi tiết này đã lý giải vì sao Vincent Van Gogh mắc bệnh giang mai và bị căn bệnh này hành hạ vào lúc cuối đời.

3. Mâu thuẫn với gia đình

Cuộc chiến giữa Vincent Van Gogh và cha mẹ nổ ra công khai khi anh đã không viết thư về nhà gần hai tháng, một sự bất tuân nghĩa vụ gia đình chưa từng có tiền lệ. Và tới khi anh không viết thư về nhà vào ngày sinh nhật mẹ, không còn ai có thể phủ nhận được thái độ chống đối trong hành vi im lặng của anh.
Cha mẹ anh hình dung tới trường hợp tồi tệ nhất. Im lặng kéo dài đã làm bố mẹ anh nghĩ rằng Vincent Van Gogh đang gặp những vấn đề trầm trọng. Rất nhanh sau đó Vincent Van Gogh nhận được chỉ thị từ bố mẹ rằng anh sẽ được tạm thời thiên chuyển tới Paris.
Vincent Van Gogh giận dữ bởi sự ép buộc vô lối này, anh gửi một lá thư phân nộ cho bố mẹ, làm đảo lộn một loạt truyền thống gia đình vì anh cho rằng bố mẹ đã can thiệp thô bạo vào cuộc đời mình. Có thể nói, đây cũng là một trường hợp tương tự như thiên tài âm nhạc Wolfgang Amadeus Mozart.
Cơn thịnh nộ của anh với cha do bị thiên chuyển tạm thời tới Paris cũng là khởi đầu cho rất nhiều những cơn giận bùng nổ sau này và càng làm cho cảm giác bị ghẻ lạnh trong anh ngày thêm sâu sắc.
Gia đình anh, từ bố mẹ đến anh em, không ai hiểu anh.

4. “Chủ nghĩa ấn tượng”

Mùa đông năm 1875 Vincent tới Paris giữa lúc giới nghệ thuật Paris đang bị một lực lượng các họa sĩ trẻ nổi loạn tấn công dưới cái tên “Hội ẩn danh” – được phe phản đối gọi một cách xem thường là “những họa sĩ phái ấn tượng”, trong đó có cả Monet và Renoir.
Cơn bão này đã lan tới mà mọi ngóc ngách trong giới nghệ thuật Paris, nơi mà Vincent Van Gogh vừa đến trọ. Nơi đây không bàn tán gì ngoài việc này. Cũng tại đây, Renoir dựng giá để vẽ lại các cặp đôi đang nhảy điệu Van xơ, Và vào bất cứ đêm nào, tại bất cứ đâu trong những khán phòng hòa nhạc và các hộp đêm cách chỗ Vincent Van Gogh trọ chừng vài phút đi bộ, người ta cũng có thể bắt gặp Degas cùng tập ký họa trong tay. Vincent Van Gogh cũng thường đi ngang qua xưởng vẽ của Renoir và Manet.
Chính tại nơi này anh đã gặp một người môi giới chứng khoán trẻ và là một nhà sưu tập tranh ấn tượng từ thời kỳ đầu tên là Paul Gauguin. Anh này lại làm việc tại sàn chứng khoán Paris gần đó và thường vẽ tranh trong lúc rảnh. Vincent Van Gogh lúc đó chẳng thể ngờ rằng sau này mình sẽ có mối quan hệ sâu sắc với người đàn ông đa tài và cũng điên cuồng chẳng kém anh là bao.
Không gì đọng lại trong tâm trí Vincent mặc cho cuộc luận chiến đang nổ ra xung quanh. Vincent chẳng hề nhắc một từ về chủ nghĩa ấn tượng hay bất cứ người khởi xướng nào trong suốt thời gian anh ở Paris.
Một thập kỷ sau, khi em trai anh cố gắng khiến anh chú ý đến những họa sĩ mới, anh chỉ đáp rằng tuyệt nhiên anh chưa từng xem thứ gì của họ thực sự anh không hiểu rõ ràng lắm “chủ nghĩa Ấn tượng” là gì.
Vincent đã ở đâu? Làm sao mà anh có thể phớt lờ cuộc chiến ngôn từ và hình ảnh đang xảy ra trong các phòng trà ở nơi anh làm việc, tại những quán cà phê mà anh ghé qua, trên các tờ báo mà anh đọc hay khắp những con đường mà anh đi làm? Sao mà anh lại tách rời hiện thực đến thế?

5. Yêu thương mọi người trong cô đơn

Vincent cô độc trong chính thời đại của mình, không 1 ai hiểu anh, anh không bán được một bức tranh nào trừ bức Vườn nho đỏ ở Arles. Ngay cả Paul Gauguin, người từng sống chung với anh vào thời gian mà anh khỏe mạnh và sáng tác sung sức nhất, cũng điên cuồng tức giận và bỏ đi vì không chịu nổi tính khí thất thường của của bạn mình.
Tuy vậy, khi nhìn vào những bức chân dung tự họa của Vincent, và những bức ông vẽ những người thân bên cạnh, ta vẫn thấy toát lên một sự hiền dịu và ân cần, không hề có nét điên cuồng hay hung hãn trong những bức tranh này. Điều đó giúp cho ta tin rằng, mặc dù ta không sống ở thời đại của ông, mặc dù mọi tài liệu sau này có thể có sai lệch, nhưng có một điều mà ta có thể tin tưởng, là Vincent có một tâm hồn lương thiện, một con tim chỉ muốn sống hết mình với bảng màu và giá vẽ, chỉ vì chưa có ai hiểu ông mà thôi.
—————————————————————————-
“Từng người một, những người thăm viếng đi thành hàng qua quan tài. Vài người mang theo hoa. Tanguy rơi nước mắt…Tại khu mộ, theo lời đề nghị của Theo, Gachet già lẩm nhẩm không rõ tiếng vài lời ca tụng mơ hồ (một con người lương thiện và một họa sĩ vĩ đại) cho một người mà ông chẳng biết là bao. Choáng váng vì nóng nực và những giọt nước mắt cắt ngang, ông khiến phần lớn mọi người cảm thấy bối rối. Nghẹn ngào xúc động, Theo cảm tạ ông “bằng cả trái tim” nhưng không phát biểu. Quan tài được hạ xuống lòng đất, Theo và Bonger xúc xúc những xẻng đất đầu tiên. Đoàn viếng thưa thớt bắt đầu giải tán, những người Paris xuôi về hướng nhà ga hoặc quay trở về quán trọ, đám người địa phương tan biến vào vùng thôn quê.
Đứng giữa bãi hoang, Theo nức nở bật khóc”
Hãy nghe “Starry, starry night”. Hãy xem “Loving Vincent”. Hãy đọc Van Gogh The Life và khóc cùng ông ấy!
#Nguồn: Facebook Bà Bô
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Xem Thêm  [Rewiew] Tôi muốn chết nhưng tôi thèm ăn tteokbokki - Baek Se Hee
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận